Đã đồng bộ 2.224.792 dữ liệu vào CSDL CBCCVC, tăng 24.296 dữ liệu so với tháng 10/2023

Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC): Đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, đã đồng bộ 2.224.792/2.308.566 dữ liệu CBCCVC của các bộ, ngành, địa phương vào CSDL CBCCVC (đạt tỷ lệ 96,4%, tăng 24.296 dữ liệu so với tháng 10/2023); trong đó dữ liệu của Bộ, ngành là 206.855 hồ sơ và dữ liệu của địa phương là 2.017.937 hồ sơ.

Chính phủ số

Về công tác chỉ đạo, điều hành, thể chế số

Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian còn lại của năm 2023 theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Trong đó chú trọng tập trung rà soát, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), nhất là các dịch vụ công cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu từ các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp DVCTT; trên cơ sở thực tiễn triển khai tại thành phố Hà Nội và Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến khích các bộ, ngành, địa phương thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin từ nguồn chi thường xuyên trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước giao để kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn về kinh phí thực hiện Đề án 06.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; Nghị quyết số 192/NQ-CP ngày 18/11/2023 về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ; Nghị quyết số 195/NQ-CP ngày 20/11/2023 về việc dừng chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến tại Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 về việc tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

Về Hạ tầng số

Hiện tại còn 689 thôn lõm sóng, trong đó có 562 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn và 127 thôn không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, trong đó còn một số thôn vẫn chưa có điện lưới. 

Tính đến ngày 20/11/2023, có 3.235/6.786 thôn đã có cáp quang đến trung tâm thôn và sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân. Còn lại 3.551/6.786 thôn chưa có hạ tầng băng rộng cố định. 

Về triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money: Tổng số khách hàng đạt gần 6,2 triệu khách hàng, trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt gần 4,4 triệu khách hàng, chiếm 71%; 11.799 điểm kinh doanh đã được thiết lập, tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 213.221 đơn vị, cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện nước, giáo dục, viễn thông, hành chính công; tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 53 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 2.616 tỷ đồng.

Về Dữ liệu số

Tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP trong tháng 11/2023 (từ 01/11/2023 - 20/11/2023): 59.286.910 giao dịch, trung bình hàng ngày có khoảng 2,96 triệu giao dịch thực hiện thông qua nền tảng NDXP. 

Xây dựng các CSDL tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử

CSDL quốc gia về dân cư: Đã kết nối với 15 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tiếp nhận 1.332.230.476 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin; 537.264.707 yêu cầu đồng bộ thông tin công dân, đồng bộ thành công 227.739.598 thông tin công dân vào dữ liệu dân cư. Đã kết nối chính thức với CSDL về bảo trợ xã hội và CSDL hộ nghèo, hộ cận nghèo; hoàn thành Phần mềm thu thập, cập nhật, phát triển CSDL về lao động - việc làm gắn với CSDL dân cư, 57/63 địa phương đã thực hiện cập nhật 9.401.364 thông tin người lao động vào CSDL quốc gia về dân cư. Đã có 52 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai 44 mô hình, giải pháp ứng dụng những tiện ích được phát triển từ nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số.

CSDL về bảo hiểm: Tính đến ngày 14/11/2023, Hệ thống đã xác thực hơn 93,7 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 84,7 triệu người đang tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 96% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 132 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, bảo hiểm y tế cho CSDL quốc gia về dân cư.

CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến và kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, giúp dữ liệu được đồng bộ, thống nhất, giảm thời gian tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch.

CSDL quốc gia về đất đai: 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng CSDL đất đai quốc gia, trên cả nước đã có CSDL của 450/705 huyện.

CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Hiện tại, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu của gần 1,9 triệu doanh nghiệp (khoảng 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động), bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán. Thông tin trong CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp được cập nhật liên tục theo thời gian thực trên cơ sở thông tin doanh nghiệp kê khai và liên thông nghiệp vụ thời gian thực với Hệ thống đăng ký thuế.

CSDL quốc gia về CBCCVC: Đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, đã đồng bộ 2.224.792/2.308.566 dữ liệu CBCCVC của các bộ, ngành, địa phương vào CSDL CBCCVC (đạt tỷ lệ 96,4%, tăng 24.296 dữ liệu so với tháng 10/2023); trong đó dữ liệu của Bộ, ngành là 206.855 hồ sơ và dữ liệu của địa phương là 2.017.937 hồ sơ. 

DVCTT và các hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

DVCTT: Tính đến tháng 11/2023, tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp DVCTT toàn trình đạt 100%. Thực hiện miễn giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg, Công văn số 452/TTg-KSTT, đến nay, đã có 45/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT, nhằm thu hút người dân tham gia DVCTT. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng DVCTT (Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023). 

Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính: Việc khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa vẫn còn thấp, chỉ đạt khoảng 3%.

Cổng Dịch vụ công quốc gia: Tính đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 4.425 DVCTT; tiếp nhận 10 triệu tài khoản đăng ký mới; hơn 262 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái. Đã thực hiện 26 triệu lượt dịch vụ tiện ích; hơn 33 triệu hồ sơ trực tuyến; thực hiện hơn 20,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với tổng số tiền là hơn 8.992 tỷ đồng.

Triển khai hóa đơn điện tử: Đến ngày 10/11/2023, đã có 36.391 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công (tăng 1.791 doanh nghiệp so với tháng 10/2023), với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 57,68 triệu hóa đơn (tăng 11,4 triệu hóa đơn so với tháng 10/2023). 

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Trong tháng 11/2023, đã xây dựng 01 Infographic báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023; đã trình các Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Quyết định ban hành Khung Chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Phục vụ 01 buổi làm việc trực tuyến của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính với 03 Bộ, 08 địa phương và 01 buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiếp tục xây dựng Kho dữ liệu tổng hợp, chỉnh sửa, nâng cấp giao diện của Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng, đã cập nhật được 271 file dữ liệu lên Hệ thống. 

Trục liên thông văn bản quốc gia: Từ ngày 20/10/2023 đến ngày 17/11/2023, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là 638.390 văn bản (gửi: 113.156, nhận: 525.234). Trong 11 tháng năm 2023, số lượng văn bản điện tử, gửi, nhận qua Trục khoảng 6,8 triệu văn bản. Tính đến nay, đã có khoảng 27,4 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ: Từ ngày 20/10/2023 đến ngày 17/11/2023, Hệ thống đã phục vụ 02 phiên họp Chính phủ và xử lý 38 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 13 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Đến nay, Hệ thống đã phục vụ 85 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.926 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 646 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Về nguồn nhân lực số

Triển khai Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở đại trà (MOOCs), Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn (Nền tảng OneTouch) để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng. Nền tảng được khai trương từ đầu tháng 4/2022, tính đến ngày 15/11/2023 đã có 22.307.978 lượt truy cập vào nền tảng OneTouch.

Triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ): 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 79.867 Tổ CNSCĐ và 373.922 thành viên, trong đó 54/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.

Kinh tế số, Xã hội số

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số: đến hết ngày 10/11/2023, số lượt doanh nghiệp tiếp cận Chương trình là 1.029.555; số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình là 182.430.

Về phát triển công dân số, theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp. Đã thu nhận hơn 70,2 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 48,66 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 69,25%). Có 42 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước./.

Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ

Nguồn: tcnn.vn