Chuyển đổi số quốc gia là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thích ứng với sự phát triển và tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển kinh tế - xã hội. Đồng bằng sông Cửu Long đang từng bước bắt nhịp chung với xu hướng này và thu được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bài viết phân tích, đánh giá mức độ sẵn sàng và những vấn đề đặt ra, qua đó đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh họa
Tình hình thực hiện chuyển đổi số ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với dân số khoảng 17,4 triệu người và mật độ 426 người/km2 (năm 2022); kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện, GRDP bình quân đầu người một tháng theo mức giá hiện hành đạt 3,585 triệu đồng (năm 2018) và 4,077 triệu đồng (năm 2022); chỉ số phát triển con người gia tăng các năm qua, đạt mức 0,661 (năm 2018) và 0,692 (năm 2022)(1).
So với cả nước, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL còn thấp nhưng mức độ sẵn sàng chuyển đổi số lại có nhiều thuận lợi. Cụ thể, tỷ lệ người dùng mạng internet, điện thoại thông minh không ngừng tăng lên, thanh toán số, tiêu dùng số trở nên thông dụng; giáo dục số, y tế số đã phần nào xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ điện thoại di động/100 dân Vùng ĐBSCL đạt trên 100 và tiếp tục tăng, nhiều địa phương đạt tỷ lệ này rất cao như thành phố Cần Thơ và các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang; tỷ lệ thuê bao băng thông rộng phát sinh lưu lượng/100 dân và tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng thông rộng Vùng ĐBSCL tiếp tục tăng trong những năm qua; tỷ lệ doanh nghiệp có kết nối internet băng thông rộng trong Vùng tiếp tục gia tăng trong những năm qua và đạt gần 100%, trong đó có 10/13 địa phương đạt tỷ lệ 100%(2).
Về nền tảng chung cho chuyển đổi số
Thứ nhất, về thể chế: thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương Vùng ĐBSCL đã ban hành văn bản chỉ đạo về xây dựng kế hoạch để triển khai kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có 12/13 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết; 01/13 tỉnh ban hành chỉ thị (Bạc Liêu), sớm nhất là Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/10/2020 về chuyển số giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Tỉnh ủy An Giang ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 22/8/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Những quyết tâm chính trị của các địa phương Vùng ĐBSCL đã góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế số. Thực tế cho thấy, sau khi các tỉnh ủy, thành ủy ban hành văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số thì UBND cùng cấp đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động, đề án nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương.
Thứ hai, về nhận thức số: các địa phương Vùng ĐBSCL đã tích cực tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số, trong đó chú trọng đào tạo về kỹ năng chuyển đổi số, thương mại điện tử, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, nền tảng số cho cán bộ, công chức, người công tác tại các tổ chức đoàn thể các cấp và người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, 100% cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL đều có chuyên mục chuyển đổi số, có địa phương đã xây dựng cổng thông tin riêng về chuyển đổi số để cung cấp, cập nhật thông tin về chuyển số của địa phương mình, kinh nghiệm của các địa phương khác và thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, nhận thức của CBCCVC, người dân và doanh nghiệp Vùng ĐBSCL về chuyển đổi số đã có những chuyển biến tích cực, chỉ số về nhận thức số có sự gia tăng vượt trội so với các chỉ số còn lại, nếu chỉ số nhận thức số trung bình của cả Vùng ĐBSCL năm 2020 là 0,3377, thì đến năm 2021 là 0,6158, tăng 82,33%(3).
Thứ ba, về hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin: các chỉ số về hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin Vùng ĐBSCL đều tăng lên, chỉ số hạ tầng số trung bình của cả vùng tăng từ 0,2754 lên 0,4917; chỉ số nhân lực số trung bình của cả vùng tăng từ 0,2127 lên 0,2690 và chỉ số an toàn thông tin trung bình của cả vùng tăng từ 0,3046 lên 0,3484(4). Điều đó cho thấy các chỉ số này của Vùng ĐBSCL tiếp tục có sự cải thiện.
Hiện nay, 100% cán bộ, công chức ở Vùng ĐBSCL đã được trang bị máy tính; 100% các tỉnh có mạng LAN, internet, WAN; 100% các tỉnh, thành phố ứng dụng IPV6 trên hạ tầng, mạng lưới dịch vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố được triển khai. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và các hệ thống có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng LGSP cấp tỉnh bao gồm: Cổng Dịch vụ công - Hệ thống một cửa điện tử; Cổng Thông tin điện tử cấp tỉnh; Phần mềm Quản lý văn bản; Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội cấp tỉnh... Ngoài ra, các địa phương còn triển khai Hệ thống xác thực dùng chung (SSO) phục vụ việc đăng nhập một lần các hệ thống: thư điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản, hệ thống trang thông tin điện tử.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí Vùng ĐBSCL tiếp tục được nâng cao trong những năm qua, trong đó 100% các tỉnh, thành phố trong vùng có trường đại học, cao đẳng, nhiều trường đại học có đào tạo ngành công nghệ thông tin để phục vụ đào tạo nhân lực trong vùng, với hàng trăm sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Các cơ quan nhà nước ở Vùng ĐBSCL đều có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và truyền thông. Nhiều địa phương trong Vùng đã tự tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc trên nền tảng One Touch do Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai trương từ tháng 4/2022 (MOOCs-https://onetouch.mic.gov.vn). Tính đến ngày 30/9/2022, cả vùng đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số được 11.428 lượt CBCCVC, trong đó tỉnh An Giang đã tổ chức nhiều nhất với 2.563 lượt; tỉnh Bến Tre với 1.516 lượt; tỉnh Sóc Trăng với 2.473 lượt; thấp nhất là tỉnh Trà Vinh với 233 lượt(5). Các địa phương Vùng ĐBSCL đều triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình bốn lớp theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về hoạt động số
Một là, về chính quyền số: đến nay, 100% các địa phương Vùng ĐBSCL đều cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người dân và doanh nghiệp; các cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố đã thực hiện chuyển đổi sang công nghệ IPV6. Các cấp chính quyền đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước; chữ ký số chuyên dùng đã được tích hợp vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản tại các cơ quan, đơn vị và được triển khai phục vụ thực hiện trong ứng dụng quản lý văn bản với Kho bạc nhà nước, khai báo thuế, bảo hiểm xã hội và ngành Thuế. Hệ thống thư điện tử tỉnh đã cấp cho CBCCVC để sử dụng trao đổi công việc; các doanh nghiệp đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong cung cấp các dịch vụ khách hàng. Một bộ phận người dân từng bước có thói quen sử dụng thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, sử dụng dịch vụ công quốc gia trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)...
Hệ thống đã liên thông với Trục Liên thông văn bản quốc gia đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Nếu như năm 2020, tỷ lệ trung bình của vùng giải quyết TTHC bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt trên 50%, bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt gần 30%, thì đến năm 2022, nhiều địa phương tiếp tục gia tăng. Ví dụ, tỉnh Bến Tre có 80% tổng số TTHC được giải quyết bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và đã tích hợp được 68% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia(6). Tỉnh Long An đã cung cấp 83,6% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn trên hệ thống một cửa điện tử đạt 99,6%; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước đạt 99,99%; tỷ lệ văn bản đi được ký số đạt 99,4%; tỷ lệ sử dụng hộp thư điện tử đạt 97%; thực hiện kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu, hệ thống của bộ, ngành Trung ương đã sẵn sàng(7). Tỉnh Hậu Giang đã cung cấp được 86% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; số lượng hồ sơ giải quyết của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 89%(8).
Hai là, về kinh tế số: hầu hết các địa phương Vùng ĐBSCL mới triển khai chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó kinh tế số của một số địa phương thu được những kết quả bước đầu. Cụ thể, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, mới thành lập sử dụng phần mềm AMIS kế toán; phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên Sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART.vn. Thành phố Cần Thơ xây dựng Sàn thương mại điện tử tại địa chỉ: www.chonongsancantho.vn, hiện có 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp giới thiệu 200 sản phẩm nông nghiệp (lương thực, rau củ quả, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm, dược liệu, sản phẩm chế biến…) lên sàn(9). Đến tháng 10/2022, tỉnh Tiền Giang đã có 86,27% doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin triển khai nền tảng số. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được giới thiệu tiếp cận, sử dụng các sản phẩm công nghệ số để tham gia chuyển đổi số qua nền tảng SMEdx của quốc gia. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 84,50%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; có 1.255 sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đưa lên Sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn, với trên 8.479 lượt giao dịch(10).
Ba là, về xã hội số: Tổ công nghệ số cộng đồng đã được hình thành và đang hoạt động khá tích cực, tạo sự kết nối và sự tham gia của cộng đồng vào quá trình chuyển đổi số của các địa phương Vùng ĐBSCL. Đến ngày 30/9/2022, cả 13/13 tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng(11). Tại tỉnh Đồng Tháp, các Tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng phần mềm phản ánh hiện trường e-Dongthap; sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt... Kết quả, đã hướng dẫn 1.003 người cài đặt ứng dụng e-Dongthap; 1.782 người cài đặt và sử dụng các loại ví điện tử, mobile money; 71 cửa hàng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 16 hộ sản xuất tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; hơn 600 người được hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến(12). Tỉnh Hậu Giang có 525 Tổ công nghệ số cộng đồng ấp, khu vực được thành lập với 3.470 thành viên. Đây là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh đến huyện, huyện đến xã, phường, thị trấn và đến ấp khu vực với mục tiêu đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân(13).
Những vấn đề đặt ra đối với chuyển đổi số ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay
Thứ nhất, mức độ tham gia của người dân vào quá trình chuyển đổi số còn thấp. Trong quá trình chuyển đổi số, chỉ có khoảng 6,13% người dân và tổ chức Vùng ĐBSCL được thông tin về cơ quan giải quyết qua mạng internet (trung bình của cả nước là 8,2%); chỉ có khoảng 4% số người được hỏi đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Điều này cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công chưa hiệu quả, công tác thông tin, tuyên truyền chưa đem lại hiệu quả cao; người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng trên môi trường số hiện nay. Một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn tâm lý e ngại, chưa có thói quen giải quyết TTHC trên môi trường số, chưa có thói quen sử dụng các ứng dụng số trong giao tiếp với chính quyền các cấp. Điều kiện tiếp cận công nghệ số, kỹ năng số của bộ phận người dân vùng nông thôn còn hạn chế, nhất là việc tiếp cận sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước (chưa có chữ ký số, thiết bị di động thông minh, tài khoản thanh toán điện tử…).
Thứ hai, các cơ sở dữ liệu hiện có, nhất là trong khu vực công ở khu vực ĐBSCL đang bị phân mảnh hoặc khu trú, thách thức đặt ra ở đây là chuyển đổi từ dữ liệu đóng thành dữ liệu mở để có thể kết nối, chia sẻ, như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia thống kê tổng hợp về dân số; Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.v.v.
Thứ ba, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở các sở, ngành, địa phương Vùng ĐBSCL tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự sâu sắc, việc thực hiện còn mang tính hình thức. Một số lãnh đạo đơn vị, địa phương chưa thật sự vào cuộc để chỉ đạo quyết liệt; một số nhiệm vụ trong kế hoạch chưa được quan tâm triển khai, các dự án, hạng mục trong kế hoạch chuyển đổi số, đề án đô thị thông minh chậm triển khai. Hạ tầng số tại nhiều đơn vị chưa được trang bị đồng bộ, nhiều nơi đã xuống cấp chưa thay thế kịp thời. Một số cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức lãnh đạo chưa tham gia xử lý, giải quyết công việc hoàn toàn trên môi trường mạng. Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị xử lý văn bản giấy song song với văn bản điện tử; công tác đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số hạn chế, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, nguồn lực (nhân lực, tài chính) triển khai chính quyền số, kinh tế số, xã hội số còn hạn chế; một số địa phương chưa có cơ chế cụ thể để ưu tiên tài chính ngân sách, huy động nguồn lực đảm bảo cho triển khai chuyển đổi số nên ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động, dự án về chuyển đổi số. Các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL vẫn còn thiếu nhân lực có kỹ năng số, chỉ số gia tăng nhân lực số chỉ đạt 26.46%(14).
Giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Một là, các cấp ủy đảng và chính quyền ở Vùng ĐBSCL cần tiếp tục đổi mới tư duy để đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp hơn, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động nhằm đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp, sát với thực tiễn theo hướng “toàn dân, toàn diện, tổng thể, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Hai là, các địa phương Vùng ĐBSCL cần có sự phối hợp để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra; cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu đóng vai trò quyết định, đứng ra chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp theo kế hoạch, chỉ tiêu đặt ra. Chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra các nền tảng công nghệ để người dân tiếp cận một cách thuận lợi nhất, biến người dân từ đối tượng được thụ hưởng thụ động thành người tham gia, chung tay, hợp lực với chính quyền, doanh nghiệp để thực hiện thành công các giải pháp chuyển đổi số.
Ba là, Chính phủ cần hỗ trợ thành lập Trung tâm chuyển đổi số để kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL; xây dựng sàn thương mại điện tử nông sản đặc trưng của Vùng, từ đó kết nối sàn thương mại điện tử quốc gia; tăng cường đào tạo đội ngũ công nghệ thông tin để thích ứng với chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; hướng dẫn các địa phương cách xác định hàm lượng gắn với việc đóng góp của chuyển đổi số, kinh tế số vào tỷ trọng cơ cấu GDP để các tỉnh, thành phố trong Vùng xác định được vị trí và đưa ra các biện pháp, giải pháp thực hiện chuyển đổi số phù hợp hơn.
Bốn là, các địa phương Vùng ĐBSCL cần chú trọng các nội dung trọng tâm của chuyển đổi số. Trước hết là tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho CBCCVC và người dân; tăng cường liên kết trong xây dựng hạ tầng số, hỗ trợ phát triển nhân lực số. Học hỏi, xây dựng, chuyển giao cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL; chủ động hợp tác với nhau và với các cơ quan Trung ương trong việc tham gia quản lý các tài nguyên trong môi trường số và trên không gian mạng. Tăng cường triển khai nhân rộng các sáng kiến về chuyển đổi số, các mô hình thí điểm và các thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn, thúc đẩy triển khai chuyển đổi số nhanh, hiệu quả./.
------------------------------
Ghi chú:
(1) Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê năm 2022, Nxb Thống kê, H.2023, tr.106.
(2) Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông năm 2019, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.72-73.
(3),(4) Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.24, tr.28.
(5),(11) Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo chuyên đề tuần 39/2022, ngày 30/9/2022, tr.4-6, tr.6.
(6) Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre, Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/10/2020 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
(7) Vũ Thanh, Long An: Chuyển đổi số mạnh mẽ hướng đến một “Long An số”. https://kinhtemoitruong.vn/long-an-chuyen-doi-so-manh-me-huong-den-mot-long-an-so-69595.html.
(8),(13) Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Kết quả xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2022.
(9) Mỹ Thanh, Chung tay phát triển kinh tế số, https://baocantho.com.vn/chung-tay-phat-trien-kinh-te-so-a151712.html.
(10) Minh Trí, Tiền Giang: Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, https://tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin?/tien-giang-ay-manh-phat-trien-kinh-te-so.
(12) Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 16/3/2023 về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp năm 2023.
(14) Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.39.
TS Đặng Viết Đạt - Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: tcnn.vn