Chỉ ban hành TTHC mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phi tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết chỉ ban hành TTHC mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh. Đẩy mạnh truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của người dân, truyền cảm hứng tạo động lực cho người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, ngày 12/7/2023. Nguồn: bocongan.gov.vn

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 299/TB-VPCP ngày 31/7/2023 Kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như sau:

Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phi tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết chỉ ban hành TTHC mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh.

Tái cấu trúc quy trình các TTHC, DVC đang được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả. Hoàn thành trong Quý III/2023.

Rà soát, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án 06; đẩy mạnh triển khai nền tảng số trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử (thanh toán hóa đơn, chi trả lương hưu, tích hợp mã định danh với mã số thuế để nâng cao hiệu qua thu thuế...); bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Tư pháp. Văn phòng Chính phủ tổ chức triển khai 02 DVC liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí trên địa bàn toàn quốc với tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện, nâng cấp (theo Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 của Chính phủ).

Đẩy mạnh truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của người dân, truyền cảm hứng tạo động lực cho người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số quốc gia ở cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương, yêu cầu các thông tin cập nhật thường xuyên, chính xác.

Khẩn trương rà soát, sửa đổi văn bản liên quan theo hướng đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh và xác thực điện tử và ứng dụng VNelD để đăng ký thông tin thuê bao đối với dịch vụ viễn thông di động mặt đất; cấp chữ ký số gắn với định danh điện tử; sửa đổi Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký theo trình tự thủ tục rút gọn, phù hợp Luật Giao dịch điện tử mới được thông qua.

Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trình Nghị định quy định danh mục CSDL quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia, hoàn thành trong tháng 7/2023. Cập nhật, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 3.0), hoàn thành trong Quý III/2023.

Bộ Công an chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá, đôn đốc việc triển khai CSDL quốc gia liên quan đến dân cư bám sát chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 để đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện, tháo gỡ 08 điểm nghẽn, 21 nhiệm vụ cụ thể và hoàn thành 31 nhóm công việc chưa được triển khai trong 6 tháng đầu năm 2023. Hoàn thành trong Quý IV/2023.

Sớm nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đẩy mạnh cấp tài khoản định danh điện tử mức 2, phấn đấu đến cuối năm 2023 phát triển ít nhất 10 tiện ích trên ứng dụng VNelD và có ít nhất trên 20 triệu người dân sử dụng nền tảng VNeID với tỉ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID hằng tháng tăng từ 3% - 5%; cho phép người dân được tự cập nhật các dữ liệu cá nhân liên quan như trình độ học vấn, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, điện nước, viễn thông... lên ứng dụng VNelD và xác thực để làm giàu thông tin.

Phối hợp với các địa phương nghiên cứu và tổ chức thí điểm tại một số đô thị loại 3 để triển khai đồng bộ ứng dụng VNeID tự làm giàu dữ liệu và triển khai ứng dụng quản lý xã hội và tiện ích cho người dân (tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng, lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn, ly hôn, dịch vụ ngân hàng; dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công,...).

Nghiên cứu tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm các nước trên thế giới về chuyển đổi số, CSDL, quản lý dân cư, xây dựng, tích hợp hệ thống CSDL lớn để vận dụng thực hiện phù hợp đặc điểm, tình hình Việt Nam.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID (Theo Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/5/2023 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 10/7/2023).

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tập trung triển khai các giải pháp về đồng bộ dữ liệu thuế, sử dụng căn cước công dân, định danh điện tử là mã số thuế và định danh trong các giao dịch điện tử để nâng cao hiệu quả thu thuế. Phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh kết nối hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền vào hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí, siêu thị, trung tâm thương mại...

Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu giải pháp giúp địa phương kiểm soát chống thất thu thuế đối với dịch vụ ăn uống, phát triển kinh tế đêm,... Trước mắt, tập trung triển khai tại một số địa phương có nhiều trung tâm du lịch lớn trước khi triển khai nhân rộng trên toàn quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư, vốn chi thường xuyên của chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn lực thực hiện.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an nghiên cứu, chỉ đạo triển khai thí điểm xác thực sinh trắc trên Căn cước công dân gắn chip khi người dân khám chữa bệnh; tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thí điểm để nhân rộng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2024.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổng kết thí điểm triển khai xác thực sinh trắc trên Căn cước công dân gắn chip tại bộ phận một cửa, qua đó nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Văn phòng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành hoàn thành thực hiện 19 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và rà soát, sửa đổi các văn bản có yêu cầu giấy tờ cư trú. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của các bộ, ngành và địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương phát hiện vướng mắc bất cập để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo./.

Nhật Nam

Nguồn: tcnn.vn