Cần có giải pháp hoàn thiện chính sách giữa khu vực công, khu vực tư

Cần có giải pháp hoàn thiện chính sách giữa khu vực công, khu vực tư

Chiều 01/10/2022, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, liên quan đến tình trạng thời gian qua nhiều cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, từ năm 2020 đến tháng 6/2022 có 39.552 CBCCVC nghỉ việc, chiếm gần 2% tổng số biên chế được giao.

https://a.tcnn.vn/Images/images/img0404-1664620940804129145672.jpg

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời báo chí tại Họp báo. Ảnh: VGP

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Liên quan đến ngành Y tế, có nguyên nhân từ công việc áp lực. Thu nhập của CBCCVC ở một số bộ, ngành, địa phương có chênh lệch so với mặt bằng của người dân trên địa bàn.

Nguyên nhân khách quan là do trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để phát triển lành mạnh, giữa khu vực công và khu vực tư có sự liên thông trong phát triển thị trường lao động. Nền kinh tế nhiều thành phần, cả khu vực công và tư cũng có nhiều tương tác, cạnh tranh cùng phát triển. Qua tình trạng này, cũng cần nhìn lại chính sách của khu vực công, khu vực tư để có giải pháp hoàn thiện.

Một nguyên nhân khách quan khác được Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nêu là, chúng ta đang thực hiện cơ chế xã hội hóa, tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp, trong đó có việc ký hợp đồng làm việc. Chính vì vậy, tạo sự ra - vào thường xuyên giữa khu vực sự nghiệp công và tư.  

Về nguyên nhân chủ quan, do chế độ chính sách tiền lương trong khu vực công còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống của CBCCVC. Để giải quyết bài toán này, Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tham mưu, báo cáo Chính phủ trình Trung ương, Quốc hội xem xét tăng lương cho phù hợp.

Nguyên nhân tiếp theo là công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt là quy hoạch đội ngũ chuyên gia chưa tốt, những người có kiến thức, năng lực chuyên môn giỏi hơn được khu vực tư thu hút bằng nhiều chính sách.  

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trên cơ sở gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ, trong quá trình tinh giản biên chế, có cơ quan đơn vị khối lượng công việc tăng, đây là sức ép, áp lực nhất định cho CBCCVC, đặc biệt là khối y tế.  

Tiếp đó là môi trường, điều kiện làm việc ở một số thời điểm trong khu vực công chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo cơ hội cho CBCCVC phát huy tốt năng lực của mình.  

Ngoài ra, còn có công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhận thức, sự cống hiến còn thiếu được quan tâm nhưng có nguyên nhân từ chính cá nhân CBCCVC như muốn thử sức thay đổi công việc giữa khu vực công và khu vực tư, thay đổi định hướng nghề nghiệp.../.

Cũng tại Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 9 và 9 tháng năm 2022 tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và ấn tượng, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng trong năm 2022 và 2023. Đồng thời nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới chúng ta không được lơ là, chủ quan; không say sưa với những gì đạt được vì trước mắt chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo 10 nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện:

(1) Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh việc tiêm vaccine; khắc phục nhanh, bằng được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế, xử lý tốt các vấn đề tồn tại, phát sinh.

(2) Bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương, Kỳ họp thứ Tư Quốc hội khóa XV. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(3) Kiên trì và nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên, xuyên suốt là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát tình hình, diễn biến thế giới, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, đề xuất giải pháp kịp thời, phù hợp ứng phó những diễn biến mới phát sinh.

Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, năng lượng, lương thực; tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

(4) Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung rà soát tiến độ thực hiện của các dự án để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cần đẩy mạnh hơn nữa trong triển khai hiệu quả các chính sách thuộc Chương trình. Về các chương trình mục tiêu quốc gia, cần khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện; đẩy nhanh phân bổ, giao kế hoạch vốn; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

(5) Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là các mặt hàng xuất khẩu, các mặt hàng đáp ứng nhu cầu cuối năm. Theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

(6) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm tiến độ, phù hợp tình hình thực tiễn. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm chất lượng. Tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, các ngân hàng yếu kém, 07/12 doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

(7) Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp; thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học - công nghệ. Đầu tư, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế - xã hội.

(8) Theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai, bão lũ, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

(9) Giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

(10) Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo đảm công tác an toàn, an ninh mạng, phòng chống thông tin xấu độc.

Duy Thái

Nguồn: tcnn.vn