Cần có các biện pháp mạnh mẽ trong cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Sáng 01/11/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua. 

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

Về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù. Chính sách thuế đối với doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu. Hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực. 

Đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói ứng tín dụng ưu đãi. Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp, không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. 

Thảo luận ý kiến về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Tao Văn Giót nhấn mạnh, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các chính sách là yêu cầu tất yếu của sự phát triển, đồng thời đề nghị bổ sung đội ngũ làm công tác pháp chế được hưởng phụ cấp nghề như công tác kiểm tra, thanh tra.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ tham mưu xây dựng chính sách, đại biểu Tao Văn Giót đề nghị, Chính phủ nghiên cứu quy định chế độ biệt phái công chức, viên chức những người có trình độ, năng lực, trẻ tuổi và được quy hoạch hoặc đang giữ chức vụ phó phòng đến công tác tại cơ sở ít nhất 12 tháng và quy định bắt buộc thực hiện thống nhất trong cả nước để cán bộ trẻ có cơ hội tìm hiểu thực tế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023, mặc dù còn 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, những kết quả này rất đáng ghi nhận, là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, cả hệ thống chính trị.

Liên quan đến nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, đại biểu rất mừng vì thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, nghị định không thể thay thế điều chỉnh các quy định của luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu sửa đổi pháp luật, trong đó có Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tán thành với nhiều giải pháp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đề nghị Chính phủ cần tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài và xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc. 

Về thu hút, trọng dụng nhân tài, đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã chuẩn bị xây dựng dự thảo về vấn đề này, đại biểu mong sớm có đạo luật để có quy tắc chung cho toàn xã hội trong vấn đề này. Về doanh nhân dân tộc, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, đại biểu đề nghị Quốc hội thể hiện tinh thần Nghị quyết này trong Nghị quyết Kỳ họp và đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có các biện pháp mạnh mẽ trong cải cách thể chế. Cần coi thể chế như một nguồn lực, cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng, cần đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế: xác lập bình đẳng trong phân phối nguồn lực xã hội không kể công và tư; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ nhà nước - thị trường. Việc các địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy cái áo thể chế của chúng ta đã quá chật hẹp, cần rà soát đồng bộ để có đổi mới toàn diện thay vì vá víu một cách ngắn hạn.

Để phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Tiến Lộc cho rằng “thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được”. Vì vậy, theo đại biểu, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời phải gỡ bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn về tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đồng thời phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu phải luật hóa qua các quy định về vấn đề này. Trong thời điểm khủng hoảng thì giải pháp kinh điển trực diện có thể phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là bơm tiền của nền kinh tế./.

Hà Linh

Nguồn: tcnn.vn