Cả nước đã giảm 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện
Ngày 30/8/2022, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021” có buổi làm việc với các bộ, ngành về nội dung liên quan đến Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tham dự buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Đánh giá chung về hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ: Qua xem xét báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và khảo sát thực tế tại các địa phương, Đoàn giám sát thấy rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã thực sự gắn với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa XII), Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và đạt được những kết quả tích cực.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giúp tinh gọn một bước tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Sau khi sắp xếp, trên cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện. Việc sắp xếp đơn vị hành chính đã tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách.
Thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính, các địa phương có cơ hội rà soát, sàng lọc một bước trên cơ sở đó bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị ở những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp và cả những đơn vị hành chính khác còn thiếu người làm việc.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, góp phần sàng lọc đội ngũ, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giảm được chi ngân sách nhà nước, góp phần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân có cơ hội tiếp cận thiết bị hiện đại, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính. Theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng… Qua đó, có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu công tác đã đề ra. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giúp các đơn vị hành chính tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để mở rộng không gian phát triển. Việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần phát triển và nâng cao tỷ lệ đô thị hóa; quy hoạch, phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ…
Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát cũng nêu cụ thể những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập, cũng như tác động không mong muốn của việc sắp xếp đơn vị hành chính; đồng thời đưa ra các nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021; đề xuất nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030; nhóm giải pháp về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo và cho rằng, trong thời gian ngắn, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã rất nỗ lực thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Việc sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đô thị không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế mà còn là cơ hội để mở rộng không gian phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị, tạo cơ hội cho các đô thị có động lực phát triển. Các địa phương đều bố trí trung tâm hành chính, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp kịp thời, bảo đảm điều kiện thuận lợi phục vụ người dân, tiết kiệm và tránh lãng phí theo đúng quy định. Một số ý kiến cũng đề nghị Báo cáo cần nêu bật các kết quả đạt được so với tồn tại, hạn chế, bởi thực tế việc sắp xếp đơn vị hành chính ở các địa phương đạt được thành công. Đối với những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân làm căn cứ để khắc phục cho giai đoạn 2022-2030.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: Đoàn Giám sát đánh giá cao bộ phận giúp việc, tổ biên tập đã tổng hợp các số liệu cơ bản đầy đủ, chính xác, kết cấu báo cáo hợp lý, kiến nghị, đề xuất cụ thể. Các ý kiến tại phiên họp góp ý một số nội dung trong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chất lượng cao hơn. Qua giám sát cho thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 có kết quả, hạn chế, nhưng kết quả là cơ bản./.
Nhật Nam
Nguồn: tcnn.vn