Với sự hỗ trợ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viettel, TP Cần Thơ chính thức vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố (IOC). Trung tâm sẽ tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu thành phố trên các lĩnh vực, giúp lãnh đạo thành phố giám sát, điều hành, ra các quyết định. Ðồng thời tạo phương tiện để người dân được cung cấp và phục vụ các dịch vụ đô thị thông minh tiện ích... Ðây là cơ sở cho việc xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh trong thời gian tới.
Lãnh đạo TP Cần Thơ tham quan trung tâm chỉ huy của IOC đặt tại Văn phòng UBND TP Cần Thơ.
Vận hành IOC
Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về chủ trương xây dựng thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP Cần Thơ, hơn 1 tháng qua, với vai trò là cơ quan đầu mối, Sở đã phối hợp Văn phòng UBND thành phố và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện triển khai thí điểm Trung tâm này. Chủ yếu là hoàn thiện cơ sở vật chất và hạ tầng IOC, lựa chọn các lĩnh vực triển khai thí điểm… Về kết quả triển khai hệ thống: cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật và hệ thống màn hình điều khiển với 12 màn hình ghép cùng bộ thiết bị phụ trợ điều khiển cho IOC. Ðồng thời, triển khai các phần mềm nền tảng IOC để tích hợp, phân tích dữ liệu, quản lý các lĩnh vực triển khai đô thị thông minh như phần mềm lõi quản lý giao thức tích hợp và dịch vụ lưu trữ, quản lý, xử lý dữ liệu; phần mềm lõi cung cấp dịch vụ tích hợp dữ liệu; phần mềm lõi phân tích video thông minh; phần mềm chỉ đạo điều hành…
Ngày 28-4-2021, Trung tâm Ðiều hành đô thị thông minh TP Cần Thơ chính thức đi vào vận hành, với sự hỗ trợ của Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Viettel. Trung tâm có chức năng tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu thành phố trên các lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các dịch vụ thông minh. Qua đó, giúp lãnh đạo thành phố có khả năng giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do thành phố cung cấp một cách tổng thể, có khả năng phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định; mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội. Hệ thống IOC sẽ được kết nối với các hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu khác trong nội bộ của thành phố và bên ngoài để thu thập, tổng hợp dữ liệu. Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố còn tạo phương tiện để người dân được cung cấp và phục vụ các dịch vụ đô thị thông minh tiện ích nhất, người dân được tham gia giám sát hoạt động chính quyền. Ðặt biệt sẽ tăng cường phục vụ người dân với các phương tiện, các kênh tương tác như “Tổng đài dịch vụ công 1022”, ứng dụng thiết bị di động và mạng xã hội nhằm huy động mọi nguồn lực đóng góp cho kinh tế - xã hội của thành phố phát triển nhanh và bền vững.
IOC gồm trung tâm chỉ huy thông minh đặt tại Văn phòng UBND TP Cần Thơ và triển khai thí điểm 8 lĩnh vực: giám sát, điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; giám sát điều hành du lịch; giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường; giám sát an toàn thông tin mạng. Trong đó, nổi bật là chức năng giám sát, điều hành thông qua các nhóm chỉ tiêu trọng điểm: cân đối ngân sách, giải ngân vốn đầu tư xây dựng, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm… Văn phòng UBND thành phố giám sát tình hình tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính, tình hình thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố; Sở Nội vụ giám sát tình hình xử lý văn bản điện tử. Lĩnh vực giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông sẽ do Công an thành phố và Sở Giao thông Vận tải chủ trì. Hệ thống camera (đã lắp đặt trên địa bàn quận Ninh Kiều và Cái Răng) có chức năng giám sát nhận diện khuôn mặt, tự động đưa ra cảnh báo, phát hiện các mối nguy hại về an ninh và sự cố hạ tầng, ghi hình các trường hợp vi phạm, xử lý. Hệ thống camera giám sát an toàn giao thông có khả năng phân tích dữ liệu về lưu lượng giao thông, loại phương tiện giao thông để tự động cảnh báo, dự báo các trường hợp kẹt xe; tự động nhận dạng biển số xe, phát hiện các trường hợp vi phạm an toàn giao thông… Ở lĩnh vực giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân (Tổng đài dịch vụ công 1022), hệ thống sẽ tiếp nhận các phản ánh qua nhiều kênh tương tác (website, tổng đài viên, ứng dụng di động, Zalo, Facebook…), quản lý việc xử lý thông tin, phản ánh kiến nghị của người dân, phản hồi thông tin, qua đó sẽ tập trung phục vụ người dân tốt hơn.
Tạo đà cho chuyển đổi số
Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, đến nay, nhiều địa phương đã triển khai IOC với các quy mô khác nhau. VNPT cũng nhận thấy sự quyết tâm của lãnh đạo TP Cần Thơ đối với chuyển đổi số, chủ động tham gia xây dựng IOC có nghiên cứu kỹ lưỡng hướng dẫn từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, tham khảo thực tế các địa phương đã triển khai IOC. Ý nghĩa tối thượng của IOC là giúp cho lãnh đạo, chính quyền điều hành trên dữ liệu để phục vụ người dân tốt hơn. IOC phụ vụ ở 3 cấp độ: cấp độ 1 dành cho lãnh đạo thành phố có cái nhìn toàn cảnh dữ liệu về vĩ mô, xu hướng, về cảnh báo để đưa ra quyết định; cấp độ 2 giúp cho lãnh đạo của nhiều ngành điều hành theo từng lĩnh vực phụ trách; ở cấp độ 3 vận hành phục vụ người dân đối với từng yêu cầu, tình huống cụ thể tốt hơn nhờ vào hệ thống dữ liệu và hỗ trợ của công nghệ.
“Tại TP Cần Thơ, đã triển khai thí điểm Trung tâm IOC ở cả 3 cấp độ. Tập đoàn VNPT rất vinh dự đã được thành phố giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thí điểm Trung tâm IOC và các dịch vụ thông minh, các hạng mục và công việc đề ra đến nay đã cơ bản hoàn thành. Tập đoàn VNPT mong muốn thúc đẩy mối quan hệ với TP Cần Thơ bền chặt, thông qua các hoạt động chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh. VNPT cam kết tiếp tục đồng hành cùng thành phố, phát huy hiệu quả Trung tâm IOC, tích hợp thêm nhiều tính năng công nghệ thông tin để thành phố thu thập dữ liệu một cách tự động, áp dụng công nghệ hiện đại nhất có thể…” - ông Huỳnh Quang Liêm chia sẻ.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Với vị trí là trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực ÐBSCL, TP Cần Thơ đã có nhiều chủ trương, chính sách quyết liệt trong xây dựng thành phố phát triển thành đô thị thông minh. Sự ra đời của Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP Cần Thơ là bước ngoặt quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh. Thời gian tới, các sở, ban ngành và quận, huyện, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các lĩnh vực phục vụ giám sát, điều hành đô thị thông minh như: hạ tầng công nghệ thông tin và nền tảng dữ liệu cho đô thị thông minh, chính quyền số trong đô thị thông minh, quy hoạch đô thị thông minh, giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, nông nghiệp thông minh, an ninh và an toàn trong đô thị thông minh, du lịch thông minh, y tế thông minh và giáo dục thông minh.
Nguồn: Báo Cần Thơ