Sáng 07/11/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến các nội dung: Chính sách tiền lương đối với đội ngũ không phải công chức trong cơ quan quản lý nhà nước; Giải pháp để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm; Giải pháp để cải thiện tiền lương của nhân viên trường học, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay đang tồn tại một số cơ quan quản lý nhà nước nhưng biên chế viên chức thuộc các khối như kiểm lâm của các vườn quốc gia, thanh tra giao thông, chăn nuôi thú ý, kiểm dịch động vật... Đây là những tồn tại từ trước khi hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số viên chức này, đến thời điểm 31/12/2022 là 7.191 người. Khi báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, Bộ Nội vụ đã báo cáo thực trạng này như một sự tồn tại của lịch sử, cần chuyển vị trí viên chức thành công chức để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho các đối tượng này.
Sau Kỳ họp thứ 4, Bộ Nội vụ đã báo cáo với Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế. Hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đang xem xét điều chuyển số viên chức đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước để trả lại thành công chức, thực hiện đúng chính sách cho các đối tượng này.
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Về giải pháp để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm chuẩn bị cho cải cách tiền lương nói riêng, cho quản lý, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, xác định chức nghiệp công vụ nói chung, Bộ trưởng cho biết đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Trước hết, để cải cách tiền lương, thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành xong được danh mục vị trí việc làm. Về cơ bản, từ năm 2016 đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm, tuy nhiên chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo được một cách đầy đủ, khoa học, căn cơ.
Thực hiện Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ quan đang hoàn thiện toàn bộ các nội dung, qua đó đảm bảo triển khai đồng bộ, toàn diện trong hệ thống hành chính nhà nước; tuy nhiên, đối với các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, cần có chỉ đạo thống nhất để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống chính trị. Đối với Quốc hội, Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) sẽ triển khai công tác này, đảm bảo việc xây dựng vị trí việc làm để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm.
Về giải pháp để cải thiện tiền lương của nhân viên trường học, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay có khoảng 150.000 viên chức công tác làm nhiệm vụ hỗ trợ và phục vụ tại trường học, tuy nhiên chế độ lương với nhân viên trường học còn thấp, chưa bảo đảm được mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Do vậy, trong quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương tới đây, sẽ đề nghị các địa phương tổng rà soát lại toàn bộ số lượng nhân viên trường học. Qua đó, trên cơ sở Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính để có phương án rà soát, sắp xếp đảm bảo đúng danh mục vị trí việc làm, giúp thực hiện cải cách tiền lương đối với đối tượng này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, các nhân viên trường học hiện không được hưởng phụ cấp công vụ 25%, nên nếu thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đối tượng này sẽ chịu thiệt thòi nhất định. Do vậy, các bộ, ngành liên quan cần xem xét ban hành hướng dẫn nghiệp vụ về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với nhân viên trường học, để khi thực hiện cải cách tiền lương có thể xếp lương tốt hơn cho đối tượng này. “Bộ Nội vụ cũng sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét về việc này”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói./.
Duy Thái
Nguồn: tcnn.vn