Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) dự kiến sửa đổi, bổ sung 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với nhiều điểm mới quan trọng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Nhiều điểm mới thu hút được sự quan tâm, đóng góp của người dân.
Nhân viên tổ chức dịch vụ thu BHXH, bảo hiểm y tế ở quận Bình Thủy tuyên truyền, vận động người dân tham gia.
Dự thảo đã bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Cụ thể, bên cạnh tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), tầng bảo hiểm hưu trí được bổ sung. Đồng thời, bổ sung quy định về liên kết trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản, nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Quy định này kế thừa một phần quy định về trợ cấp hằng tháng đối với người cao tuổi đang được thực hiện theo quy định tại Luật Người cao tuổi. Đồng thời, Dự thảo cũng giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Quy định này kỳ vọng sẽ giúp tăng độ bao phủ của BHXH để dần hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân. Ông Trịnh Văn Thanh ở phường Thới An, quận Ô Môn, nêu ý kiến: “Quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cũng giúp linh hoạt, phù hợp hơn với tình hình, xu hướng phát triển của đất nước. Khi đời sống kinh tế - xã hội chung của đất nước được nâng lên, người dân cần được thụ hưởng tốt hơn các chính sách an sinh xã hội từ Nhà nước”.
Đặc biệt, Dự thảo quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng (thấp nhất bằng với mức trợ cấp hưu trí xã hội) từ quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của họ. Đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Một trong những quy định của Dự thảo được nhiều người đồng tình là bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Dự thảo quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện, khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành. Theo chị Hà Thị Ngọc Hà ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, quy định này sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhất là nhóm lao động trẻ tuổi. Dự thảo cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH. Cụ thể, Dự thảo tiếp tục mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của BHXH bắt buộc. Theo ông Lý Quốc Việt, Phó Giám đốc BHXH huyện Thới Lai, việc bổ sung các đối tượng trên sẽ đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động; đồng thời, đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và sẽ giúp gia tăng diện bao phủ của BHXH...
Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG
Nguồn: baocantho.com.vn