(CT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.
Theo đó, Chiến lược hướng đến mục tiêu khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Chiến lược đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.
Về lộ trình thực hiện, Chiến lược gồm 2 giai đoạn: 2023-2026 và 2026-2030. Trong giai đoạn 2023-2026, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đề xuất các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của Quốc hội. Giai đoạn 2026-2030, đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giai pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược.
ANH TÚ
Nguồn: baocantho.com.vn