Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, toàn quốc có 62/63 địa phương ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Về hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số
Các bộ, ngành đã nỗ lực, tập trung xây dựng, trình ban hành thể chế, chính sách, để hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể: ban hành 10 Nghị định của Chính phủ, 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 02 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 05 Thông tư của Bộ trưởng.
Toàn quốc hiện có 62/63 địa phương ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thành phố Hà Nội ban hành chính sách quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về lãnh đạo, điều hành triển khai hoạt động chuyển đổi số
Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8 và Hội nghị chuyên đề thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp; tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành tại Tòa án nhân dân tối cao. Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Về phát triển dữ liệu số
Đến nay, có 17 bộ, ngành và 54 địa phương đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu theo quy định. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành; 63 tỉnh, thành phố và 04 doanh nghiệp; Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối giữa các hệ thống và cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị; hàng ngày có khoảng 2,5 triệu giao dịch qua Nền tảng.
Về phát triển hạ tầng số
Tốc độ mạng băng rộng cố định và mạng băng rộng di động của Việt Nam đều đang được cải thiện so với cùng kỳ năm 2023 và đầu năm 2024. Tốc độ download mạng băng rộng di động (Mbps) tăng 10,42% so với đầu năm 2024, tốc độ download mạng băng rộng cố định (Mbps) tăng 27,13% so với đầu năm 2024.
Về phát triển Chính phủ số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp
Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến đạt 81%. Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 48%.
Các bộ, ngành đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thành việc kết nối, tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 và 18/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công liên thông theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ ngày 20/5/2024 đến ngày 20/6/2024, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là 927.569 văn bản điện tử (gửi: 271.368, nhận: 656.201). Trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 5,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến nay, có 40,5 triệu văn bản gửi, nhận qua Trục.
Từ ngày 20/5/2024 đến ngày 20/6/2024 đã có hơn 831 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 7,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 2,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia; hơn 1,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền trên 917 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 4,8 triệu tài khoản đăng ký; hơn 53,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 13,9 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 7,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4.620 tỷ đồng.
Có 63/63 địa phương, 13/22 bộ, ngành hoàn thành việc nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công; đã có 61/63 địa phương, 09/20 bộ, ngành hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; 63/63 Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, 21/21 Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ kết nối với VNeID thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đã phục vụ 12 phiên họp và xử lý 287 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 109 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy. Lũy kế đến nay, Hệ thống đã phục vụ 99 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 2.288 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 789 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy.
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã xây dựng 05 Infographic báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ; đã cập nhật 964 file dữ liệu lên kho dữ liệu nội dung; tiếp tục xây dựng và cập nhật kho dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu với 38 chỉ tiêu thông tin trực tuyến; hình thành 04 bộ chỉ số về điều hành, thống kê, theo dõi, giám sát và kinh tế - xã hội của địa phương.
Về phát triển kinh tế số và xã hội số
Tính đến ngày 14/6/2024, có 67.658 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 516,05 triệu hóa đơn.
Tiếp tục Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, tính đến nay số lượt doanh nghiệp tiếp cận Chương trình là 1.222.679; số lượng doanh nghiệp sử dụng nền tảng của Chương trình là 333.950.
Việt Nam có 08 ứng dụng di động có số lượng người dùng trên 10 triệu (Zalo, Zing Mp3, Ví MoMo, Báo mới, VNeID, MB Bank, Vietcombank và My Viettel). Tiếp theo nhóm này, phân khúc ứng dụng có số lượng tài khoản đang hoạt động đạt 5-10 triệu hiện nay có khoảng 10 ứng dụng do doanh nghiệp, cá nhân người Việt phát triển, trong đó 6/10 ứng dụng là các ứng dụng thanh toán trực tuyến.
Triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tiếp tục đạt được mục tiêu về việc góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, cũng như đảm bảo việc thí điểm dịch vụ an toàn, đúng quy định. Tính đến hết tháng 5/2024: Tổng số lũy kế đạt hơn 8,8 triệu khách hàng, trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 6,3 triệu khách hàng, chiếm 72%; 11.885 điểm kinh doanh đã được thiết lập, tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 275.879 đơn vị, cung cấp các dịch vụ thanh toán thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, hành chính công; Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 119 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 4.462 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Công an, đến hết tháng 5/2024, Bộ Công an đã cấp trên 86,2 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 54,34 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu, nhận đạt 71,78%). Đối với các tiện ích trên VNeID được người dân hưởng ứng sử dụng, trong tháng 5/2024 đã có 29,3 triệu lượt truy cập vào VNeID, trong đó, một số tiện ích có người dùng cao, như: Dịch vụ công thông báo lưu trú: 237.522 lượt; Thông báo, phổ biến chính sách pháp luật mới cho công dân: 9,2 triệu lượt; Tích hợp 829 tài khoản an sinh xã hội trên ứng dụng VneID,...
Về an toàn thông tin mạng
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào vận hành hệ thống giám sát, phát hiện sớm các tên miền vi phạm trên không gian mạng và hệ thống điều phối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet xử lý, ngăn chặn các tên miền vi phạm trên không gian mạng. Triển khai Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia (DNS Shinkhole quốc gia). Tính đến tháng 6/2024, đã ngăn chặn 12.818 web/blog vi phạm, trong đó có 3.170 website lừa đảo trực tuyến. Bảo vệ hơn 10,981 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo, vi phạm pháp luật)./.
Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ
Nguồn: tcnn.vn