Xây dựng nền hành chính dân chủ và thân thiện

Cải cách hành chính (CCHC) là để tạo sự hài lòng của người dân và là thước đo hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Năm 2022, TP Cần Thơ triển khai nhiều mô hình, sáng kiến để lắng nghe, tiếp nhận ý kiến từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về thủ tục hành chính (TTHC), tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các vấn đề liên quan đến dân sinh… Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nền hành chính dân chủ và chuyên nghiệp.

Người dân đặt câu hỏi tại buổi gặp gỡ, đối thoại về CCHC, do UBND phường Thường Thạnh, quận Cái Răng tổ chức. Ảnh: CTV

Nhằm tạo kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, năm 2022, UBND thành phố đã duy trì và thực hiện 3 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND thành phố với doanh nghiệp. Ðặc biệt, chương trình “Cà phê doanh nhân”, do Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố phối hợp các sở, ngành triển khai từ tháng 9-2022, đến nay đã tổ chức 7 kỳ, thu hút hơn 500 lượt doanh nhân, hộ kinh doanh tham dự. Mỗi kỳ tổ chức, Ban tổ chức chương trình lựa chọn 1 chủ đề liên quan đến các TTHC hỗ trợ doanh nghiệp như: thuế, tín dụng, thông tin thị trường và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ðây là kênh tương tác giữa chính quyền thành phố với cộng đồng doanh nghiệp, giúp ngành chức năng nắm rõ những khó khăn về TTHC liên quan, từ đó có giải pháp hỗ trợ. Sở Nội vụ thành phố cũng đã tổ chức đối thoại đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, làm cơ sở để ngành Nội vụ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo đơn giản hóa các TTHC lĩnh vực này.

Ở các địa phương, việc gặp gỡ, đối thoại với tổ chức, doanh nghiệp và người dân về CCHC được chú trọng và lựa chọn những thủ tục thiết thân với cuộc sống người dân. Theo ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, mỗi năm, UBND phường tổ chức đối thoại với người dân về nhóm TTHC cụ thể. Riêng năm 2022, UBND phường tổ chức gặp gỡ và đối thoại CCHC thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, đăng ký thường trú, tạm trú và đất đai, thu hút hơn 80 người tham dự. Bên cạnh việc giải đáp những vấn đề người dân đặt ra về các TTHC trên, UBND phường còn tuyên truyền các bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thông tin số điện thoại giải quyết TTHC của UBND phường để bà con dễ dàng phản ánh những vấn đề phát sinh khi thực hiện TTHC.

Tại quận Ô Môn, từ tháng 6-2022, các phường thành lập Ðội tình nguyện viên trực tiếp đến các khu dân cư, quán cà phê, nhà văn hóa thông tin hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ðồng thời, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân về kết quả giải quyết TTHC, từ đó đề xuất UBND quận và ngành chức năng có giải pháp khắc phục. Kết quả, năm 2022, trên địa bàn quận phát sinh 5.372 hồ sơ trực tuyến, tăng mạnh so với năm 2021 (chỉ có 148 hồ sơ), vượt chỉ tiêu theo kế hoạch CCHC của thành phố. Bộ phận Một cửa của quận và các phường còn tuyên truyền, phát phiếu đánh giá tình hình giải quyết TTHC, cập nhật trên Hệ thống đánh giá giải quyết TTHC của thành phố (tại địa chỉ http://danhgia.cantho.gov.vn).

Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai nhiều ứng dụng trực tuyến, tạo sự kết nối giữa chính quyền và các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Nổi bật là triển khai thí điểm Hệ thống giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân (phản ánh hiện trường) cụ thể qua các kênh: tổng đài 1022, ứng dụng “Can Tho SmartCity”; xây dựng cổng dữ liệu (https://data.cantho.gov.vn) nhằm cung cấp dữ liệu mở của thành phố cho người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ công việc. Chị Huỳnh Thanh Thảo ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Qua cài đặt ứng dụng “Can Tho SmartCity” trên điện thoại thông minh, tôi dễ dàng phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, trong đó có các TTHC; đồng thời, cập nhật nhiều thông tin về an sinh xã hội, kinh tế và thực hiện các TTHC thông qua chức năng kết nối Cổng Dịch vụ công thành phố”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý thông tin về TTHC đi đôi với duy trì các hình thức tuyên truyền truyền thống (pa-nô, áp-phích, đường dây nóng…) do thành phố triển khai, đã và đang từng bước xây dựng nền hành chính dân chủ, thân thiện và chuyên nghiệp.

Năm 2022, TP Cần Thơ tiếp nhận 178 phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết quả đã xử lý 174 phản ánh, kiến nghị, đạt 99,75%. Hệ thống Dịch vụ công 1022 thành phố tiếp nhận và xử lý 1.518 thông tin, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, trong đó có 1.440 thông tin được giải quyết, 78 thông tin đang giải quyết, đạt tỷ lệ 94,9%. Gần 86.500 lượt đánh giá giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công thành phố, đạt trung bình 7,59/8 điểm đối với 4 chỉ số đánh giá về việc giải quyết TTHC theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

TÚ ANH
Nguồn: baocantho.com.vn