Việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về đất đai là nhiệm chính trị quan trọng, là vấn đề được công chúng quan tâm với kỳ vọng khắc phục được những bất cập trong chính sách, quản lý đất đai. Ðối với những quy định của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), có nhiều ý kiến đóng góp về việc tách, hợp thửa đất, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai…
Người sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Bộ phận Một cửa UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt.
Tại điểm c, khoản 1, Ðiều 221, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) quy định trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của tòa án mà việc phân chia không đảm bảo các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa, trừ trường hợp thực hiện hợp thửa với thửa đất liền kề theo quy định.
Ông Nguyễn Trí Hùng ở phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, bày tỏ: “Tôi cơ bản thống nhất với quy định tại khoản 1, Ðiều 221, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn bởi theo quy định này, không thực hiện tách thửa thì khi áp dụng vào thực tế sẽ được xem xét, giải quyết như thế nào hay lại gây khó cho ngành khác, nhất là thi hành án?”.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, cho biết: “Theo tôi, quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật công nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức được quyền sử dụng một phần diện tích không đủ điều kiện tách thửa theo quy định thì có quyền được đứng tên trong cùng giấy chứng nhận với người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, cần ghi rõ vị trí, diện tích người này được quyền sử dụng. Có như vậy, người này mới thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình đối với diện tích được công nhận như cầm cố, thế chấp, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế… Còn đối với trường hợp cho thuê, chuyển nhượng hay sử dụng đất khác với hiện trạng ban đầu thì phải có sự đồng ý của người đứng tên trong cùng giấy chứng nhận. Người đứng tên trong giấy chứng nhận được ưu tiên nhận chuyển nhượng, trả giá trị thừa kế quyền sử dụng đất đối với diện tích được công nhận theo giá các bên thỏa thuận hoặc theo giá thị trường, nhằm hạn chế các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong quá trình sử dụng đất”.
Tại khoản 2, Ðiều 153, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) quy định: thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 giấy chứng nhận; trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung một giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Ðối chiếu với quy định trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, góp ý sửa điểm c, khoản 1, Ðiều 221 của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) như sau: “Trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án mà việc phân chia không đảm bảo các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa, trừ trường hợp thực hiện hợp thửa với thửa đất liền kề quy định tại điểm b, khoản này. Căn cứ vào bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận có trách nhiệm bổ sung thông tin về người được quyền sử dụng đất, diện tích, vị trí… theo quy định tại Ðiều 156 luật này”.
Một nội dung khác cũng được người dân quan tâm, đó là quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo Ðiều 235 Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Tại khoản 1, Ðiều 235, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) quy định tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.
Thực tế, các lý do tạm đình chỉ, án quá hạn phần lớn là do UBND các cấp không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, hoặc chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ hay chậm có văn bản trả lời tòa án. Vì vậy, ông Nguyễn Bửu Châu ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, góp ý sửa khoản 1, Ðiều 235 Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) như sau: “Tranh chấp đất đai, tranh chấp liên quan đến đất đai bao gồm tài sản gắn liền với đất do tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu. Trong trường hợp không cung cấp được tài liệu, chứng cứ thì phải thông báo bằng văn bản cho tòa án biết, trong đó ghi rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ”...
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG
Nguồn: baocantho.com.vn